Sá sùng là một loại hải sản thường gặp ở vùng biển Vân Đồn và Móng Cái – tỉnh Quảng Ninh; ở Nha Trang; Côn Đảo; Bến Tre; Cà Mau… Tùy theo mỗi vùng, tên dân gian của loài động vật này mỗi khác như sá sùng, sâu đất, đồn đột, chặt khoai, giun biển, địa sâm, bi bi, con cạp đất…
Sá sùng là loài thân mềm chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát. Chúng có hình dạng na ná như một con giun lớn màu nâu đỏ, dài khoảng 5 đến 10 cm, cá biệt có con dài đến 15–40 cm, đường kính 20 cm, nặng từ 1 đến 3 kg. Sá sùng sống trong những hang đá, khe cát ở tận dưới đáy biển sâu từ 10 đến 30 m. Khi bị bắt lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại, tròn như một quả bóng, cái miệng bé như lỗ van bơm hơi. Da thay đổi màu sắc tùy theo môi trường nó ở, dùng tay sờ vào thấy mềm và mát.
Chế biến sá sùng rất công phu, phải rạch dọc theo thân, lộn nó ra để chà xát thật kỹ với muối cho ruột hết cát và hết mùi tanh. Sá sùng phải rửa nhiều lần, ngay dưới vòi nước mạnh, đến khi có màu trắng ngà mới là sạch. Sá sùng có vị ngọt tự nhiên, nên khi chế biến không cần thêm đường, bột ngọt. Một chút muối dằn hương vị là đủ làm sá sùng tăng vị đậm đà.
Món sá sùng có rất nhiều cách chế biến như theo Đông y, sá sùng có thể sử dụng như một vị thuốc cường dương, tăng sinh lực. Chúng có thể dùng để chế biến để làm thuốc bằng cách ngâm nước muối, luộc chín, căng ra phơi khô. Muốn ăn lại thì đem luộc lần nữa rồi cắt thành từng miếng nhỏ nấu với thuốc Bắc hoặc bỏ vào bụng gà ác hầm nhừ rồi ăn.
Ngoài ra, sá sùng còn được sử dụng cả lúc còn tươi (nấu canh, xáo) hay khô (rang). Trong món phở truyền thống của Hà Nội và Nam Định, để làm ngọt nước dùng, ngoài ninh xương bò, người ta còn cho thêm sá sùng hoặc tôm nõn.
Sá sùng được xem như địa sâm với công dụng bồi bổ sức khỏe vô cùng công hiệu. Sá sùng có lượng đạm khá cao, chứa nhiều acid amin quý và các khoáng chất nên là thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng. Sá sùng chứa tới 17 nguyên tố khoáng, 18 loại acid amin. Đặc biệt trong đó có 8 loại không thể thay thế rất cần thiết cho cơ thể con người. Sá sùng tươi còn được chế biến thành các món rán, xào, nướng hoặc nấu cháo cho người ốm bồi bổ sức khỏe. Chỉ cần một vài con sá sùng khô thả vào nồi nước hầm là có vị ngọt, thơm đặc biệt không loại xương nào sánh được. Bản thân con sá sùng khô có vị ngọt tự nhiên rất đậm nên chỉ cần nướng qua là đã thành một món ăn bổ dưỡng vừa tiện lợi cho các Quý ông.
Để mang đến cho thực khách món sá sùng vừa lạ vừa ngon miệng, các đầu bếp phải có sự kỳ công trong cách chế biến. Sá sùng được làm sạch thật kỹ, khử hết mùi tanh rồi đem chiên vàng, giòn. Cắn miếng sá sùng giòn rụm bên ngoài, bên trong vẫn giữ được độ dai, mềm, chấm với nước mắm ớt xanh chua cay thật hấp dẫn. Sá sùng có vị ngọt tự nhiên, béo nên càng ăn càng thấy ngon.