Nếu quý khách thuộc trường phái yêu thích “chủ nghĩa xê dịch”, nói nôm na là thích đi du lịch, tìm hiểu nền ẩm thực, văn hoá và đặc sản của các vùng miền, ắt hẳn đã nghe nói đến con cua dẹp trứ danh phân bố ở đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi và Cù Lao Chàm – Quảng Nam (ở Cù Lao Chàm họ gọi là cua đá, cần lưu ý nó là giống khác hoàn toàn cua đá shop đang bán) !!!
Cua dẹp, ở Cù Lao Chàm gọi là cua đá – có tên khoa học là Gecarcoidea lalandii – là động vật biển nhưng sống trên rừng, chỉ xuống biển vào thời gian sinh sản để duy trì nòi giống. Đây là loài cua cạn lớn thứ 2 ở Việt Nam, sau loài cua xe tăng chỉ có ở Côn Đảo. Vùng phân bố của chúng thường là khu vực rừng núi ven biển ở các đảo, nơi có nhiều hang hốc bằng đá nên cũng có tên là cua đá.
Theo ghi nhận thì người ta tìm thấy chúng hiện diện ở các đảo của Thái Bình Dương thuộc Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Indonesia; một số đảo lớn của quần đảo Hoàng Sa; ở tất cả các đảo thuộc quần thể đảo Cù Lao Chàm, trong đó Hòn Lao nhiều nhất; và đảo Bé – Lý Sơn. Cua dẹp cũng được tìm thấy ở đảo Phú Quý và Cù Lao Câu – Bình Thuận, tuy nhiên số lượng rất ít, không đủ để khai thác thương mại.
Cua dẹp lớn lên mỗi năm một lần khi chúng lột vỏ. Cua lớn trung bình 8cm, tuổi đời 16 năm. Cua dẹp di cư mỗi năm một lần theo mùa trăng để sinh sản và chỉ hoạt động vào ban đêm khi độ ẩm cao và nhiệt độ thấp. Cua non trải qua 3-4 chu kỳ ấu trùng tại biển trước khi rời môi trường nước lên rừng. Cua cái mang đến 250.000 trứng.
Tuy môi trường sinh sống chính là rừng và suối đá, nhưng cua dẹp cũng không hẳn tách biệt với môi trường nước biển. Đến mùa sinh sản, cua thường “rủ nhau” di cư xuống những vùng biển nông quanh đảo, nơi có nhiều bãi đá nửa nổi nửa chìm để đẻ trứng, và khi trứng nở, cua con lại lần tìm về với rừng để sinh trưởng và phát triển, kết thúc một vòng đời của mình.
Cua dẹp đã trở thành món đặc sản rất khoái khẩu của du khách khi đến tham quan đảo Lý Sơn hoặc Cù Lao Chàm, nếu ai đã từng thưởng thức thịt của loại cua này sẽ biết rằng nó không hề thua kém loại cua đang được đánh giá là số 1 của Việt Nam hiện nay – cua huỳnh đế.
Đây cũng là loại cua có khả năng tự tồn rất cao nên có thể để hai ba ngày hoặc mang đi xa đến vài trăm cây số cũng không chết.
Mỗi con cua dẹp trung bình chỉ lớn bằng nắm tay, và có màu sắc rất ấn tượng, mai và các chi màu nâu tím, phần bụng dưới ngả màu vàng ươm. Chúng rất khoẻ, chạy nhanh, và thường chỉ lú đầu khỏi hang khi đêm xuống để đi ăn. Đó cũng là lúc những cư dân trên đảo đi săn cua. Một thợ săn cua cho biết, đi săn mà gặp 10 con, bắt được 4 – 5 con là nghề lắm rồi.
Cũng do cái “tội” nhanh chạy, dẻo dai, leo núi khoẻ, lại chuyên “ăn chay” nên thịt cua dẹp rất ngon, từ cái nước luộc cua đã đượm vị ngọt nhẹ, dịu thanh, thịt cua dai hơn hẳn cua biển, cua đồng, không chút mùi tanh. Nhưng cái độc chiêu nhất khi thưởng thức cua dẹp – đó là hương thơm kỳ lạ.
Giở ngược cái mai cua, túm mấy chân xé một đường, con cua mới luộc còn hơi nóng, phả làn khói nhẹ từ phần thịt nằm dưới mai cua, xông lên mũi phảng phất đâu đó chút the the, cay cay mùi thảo dược, đem lại cho người ăn cảm giác cứ như đang hít hơi của nồi xông giải cảm.
Cua dẹp có thịt béo ngậy và đầy gạch. Nếu không quen ăn, thực khách có thể bị “say” gạch. Cua lớn có trọng lượng đến 300-400g/ con, cua nhỏ thì trọng lượng cỡ 100g/ con.
Theo người dân đảo Lý Sơn, cua dẹp rửa sạch rồi để nguyên con chế biến, ăn sẽ ngon hơn. Đơn giản nhất là nướng và hấp bia, phức tạp một chút thì xào me, cháy tỏi. Chất lượng thịt và gạch của cua đã đủ để làm nên độ ngon, không cần phải chế biến nhiều. Cua dẹp có màu tím; khi chín thì chuyển sang màu gạch tuyệt đẹp và thơm lừng.
Có thể chế biến bằng cách đốt đống lửa to, đợi khi than củi rã ra là ta cho từng con cua lên nướng. Nướng kiểu này không có gia vị nhưng khi con cua chín có mùi thơm ngầy ngậy.
Cua hấp sả cũng là một món ngon tuyệt. Món này phải làm số lượng nhiều và có nhiều người cùng ăn mới… khí thế. Sau khi hấp chín, con cua có màu đỏ tươi, hương sả thơm ngào ngạt…
Giá cua dẹp ở Cù Lao Chàm hiện tại dao động từ 800k đến hơn 1 triệu/kg mà vẫn cháy hàng do cung không đủ cầu.
Link tham khảo:
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/kiem-duyet-cua-da-20150601222846233.htm
http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/186156/den-dao-cu-lao-cham-thuong-thuc-dac-san-cua-da.html
http://lysonexplorer.com/dac-san-ly-son-mon-ngon-ly-son/dac-san-cua-dep-ly-son
http://www.dulichsinhthai-culaocham.com/gii-thiu/108-chuyn-cua-a–cu-lao-cham-.html