Nói đến Lý Sơn thì không ít người nghĩ ngay đến quê hương của hành, tỏi và các loại hải sản. Thế nhưng, nhiều người dân trên đảo bảo rằng, khi đến đảo Lý Sơn mà chưa được thưởng thức món rong bìm bìm thì coi như chưa đến Lý Sơn.
Rong bìm bìm, còn có tên gọi khác là rong (rau) bồng bồng, rong (rau) cum cúm là tên mà người dân Lý Sơn đặt cho một loại rong rất đặc biệt thuộc lớp rong sụn biển. Còn tên khoa học của nó là Kappaphicus alvarezii, thuộc ngành rong đỏ (Rhodophyta). Bìm bìm phân bố ở nhiều vùng biển, đảo nước ta. Riêng ở vùng biển Lý Sơn, bìm bìm mọc chủ yếu ở khu vực rạng đá ngầm cách bờ 300-700m.
Ít ai biết rằng, rong bìm bìm chính là loại rau sói trứ danh ở vùng biển Rạng thuộc huyện Núi Thành thuộc tỉnh Quảng Nam mà đã từng có bài báo khẳng định rằng đây là loài rong đặc hữu chỉ mọc ở vùng biển này !!!
Qua quan sát thì bìm bìm có hình dáng như nhánh san hô nhưng kích cỡ của các nhánh chỉ to cỡ đầu que nhang còn phần gốc to hơn, với khá nhiều màu như xanh nhạt ở gốc, trắng đục ở phần đầu, hoặc màu nâu đỏ pha trắng… Chiều cao của loại rong này khoảng 20cm.
“Không phải đến gần đây, mà từ thời tám hoánh rong bìm bìm đã được người dân trên đảo xem là một loại rau biển đầy bổ dưỡng nên tìm hái để mang về chế biến làm thức ăn trong gia đình”, nhiều bậc cao niên Lý Sơn kể.
Nhiều tài liệu khoa học cũng đã chứng minh được rằng, bìm bìm rất giàu dưỡng chất, ngoài thành phần đạm còn chứa đến hơn 90 loại khoáng chất khác nhau.
Đặc biệt hàm lượng sinh tố A của bìm bìm cao gấp 2 – 3 lần so với cà rốt, gấp 10 lần trong bơ, hàm lượng canxi cao gấp 3 lần so với sữa bò, vitamin B2 cao gấp 4 lần trong trứng… Vì vậy, bìm bìm khi chế biến làm thức ăn tạo sự dẻo dai, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần cho con người.
Để hái được loại rong này, người dân trên đảo phải đợi 4-5 giờ chiều, khi nước thủy triều xuống, lúc đó nước cạn, người dân mới có thể lội ra hái rong về. Tuy nhiên, loại rong này chỉ có vào tháng 3 đến khoảng tháng 5 là hết. Dụng cụ đơn giản chỉ là một cái
liềm nhỏ và một cái thau.
Rong bìm bìm được cư dân vùng biển Lý Sơn ví như là loại “rau xanh” vì các món được chế biến từ rong câu vừa ngon lại bổ dưỡng. Rong bìm bìm hái về, lượm bỏ những thứ rong tảo khác lẫn vào, rửa sạch đất cát, đem ngâm nước nhiều lần, phơi nắng cho khô để dùng dần.
Rong bìm bìm còn có tính thanh nhiệt rất thích hợp dùng trong mùa hè, đây là loại rong biển được sơ chế trực tiếp từ thiên nhiên không dùng chất bản quản.
Gỏi rong bìm bìm với tôm là món mà các mẹ, các chị ở miền biển thường hay làm nhất. Rong sau khi ngâm qua nước cho mềm, vớt ra ngâm tiếp vào nước đá để được giòn. Băm vài con tôm tươi, và lát thịt ba rọi xắt mỏng, rồi ướp với gia vị (hành tím, tiêu, bột ngọt, nước mắm, đường) chừng 10 phút. Bắc chảo dầu lên bếp, phi hành thật thơm, cho tôm đã thấm gia vị vào xào. Khi thịt tôm săn lại và tỏa mùi thơm, tắt bếp. Rong bìm bìm sắp ra đĩa, trút tôm lên, trải thịt ba rọi lên, nêm thêm rau quế, ớt đỏ xắt lát, hành tây, đậu phộng rang, nước mắm chua ngọt vào trộn đều là có ngay món gỏi không chê vào đâu được.
Bìm bìm vừa ngon, vừa bổ dưỡng, giá cả lại khá rẻ, cũng giống như nhiều loại rong biển khác, nó gần như hội tụ được tất cả tinh hoa của đất trời ban cho vùng biển miền trung của Việt Nam, và chỉ những ai sành điệu, hiểu biết mới quan tâm và trân quý loại rau biển tưởng chừng tầm thường nhưng “nội lực” rất mạnh này.