Cua nữ hoàng, hay còn có tên khác là cua hoàng hậu, cua đỏ, cua lông đỏ (cái tên nữ hoàng và hoàng hậu là do cách gọi mỹ miều của một số người làm hàng “định hướng thị trường” đi tiên phong lần đầu tiên tung sản phẩm này vào thị trường hải sản để làm giá tốt) đã được biết đến từ lâu ở đảo Phú Quý, Bình Thuận, tuy nhiên chúng chỉ mới xuất hiện phổ biến trên mâm hải sản ở các thị trường lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội trong khoảng 2 năm đổ lại…
Cua nữ hoàng có tên khoa học là Etisus splendidus, tên tiếng Anh phổ biến là splendid red spooner crab, splendid pebble crab – dịch nôm na là loài cua có vỏ xù xì mà rực rỡ, lộng lẫy…Vùng phân bố của chúng là ở một số nơi thuộc đảo Honolunu, Fuji – Nhật Bản; đảo Hawaii; Madagascar – Châu Phi; một số đảo nhỏ thuộc Đài Loan, Trung Quốc…riêng ở Việt Nam chỉ thấy xung quanh đảo Phú Quý và khu vực quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Đây là loại cua sống rạn san hô, con lớn nhất có trọng lượng lên đến khoảng hơn 1kg với lớp vỏ đỏ rực rỡ, rất dày và cứng khi còn sống. Ở đảo Hawaii, chúng hay được in lên các vật lưu niệm, gối ôm, ly tách…họ xem chúng như một biểu tượng.
Cua nữ hoàng không được dùng phổ biến ở nước ngoài vì vỏ cứng, số lượng cũng không nhiều, tuy nhiên với chất thịt ngọt, gạch sền sệt và hình dáng bắt mắt, cộng với màu sắc của chúng, chúng lại là món ăn khoái khẩu của nhiều thực khách Việt Nam thích sự mới lạ, trải nghiệm ẩm thực và hiểu biết, khi đến tham quan đảo Phú Quý hoặc vào các quán ăn chuyên về hải sản lạ.
Với đặc điểm thịt như thế, dường như cua nữ hoàng phù hợp nhất để làm món rang me, sốt chua ngọt ăn với bánh mì chứ không phù hợp với món hấp lắm (đánh giá chủ quan của ad), vì chất gạch sền sệt béo bùi khi quện vào nước sốt chua ngọt sẽ tạo nên thứ hỗn hập rất đặc biệt, ăn một lần nhớ mãi.