Cua lông Hồng Kông (Chinese mitten crab) – loại đặc sản được xếp vào hàng sang chảnh và ở Việt Nam hiện nay mới rộ lên phong trào săn lùng cua này để thưởng thức, nguồn chính chủ yếu nhập từ Trung Quốc, thực ra ở Việt Nam cũng có nhưng ít người biết. Chúng có tên là cua cà ra, cua ra, cua da, cua sông hoặc cua sông Hồng. Giá cua ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với cua nhập từ Trung Quốc, mặc dù y chang nhau.
Cua cà ra là đặc sản sống trên sông ở một số tỉnh phía Bắc. Đây là loài cua nước ngọt, con to nhất cũng chỉ lên đến 2 lạng, hai bên càng có đám lông đen (hoặc nâu, hơi vàng… tùy mùa), mịn, mượt – chỉ có ở sông Hồng khu vực Hà Nội và các sông của một số tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… (đồng bằng Bắc bộ).
Loại cua sông này có vị ngọt thơm đặc trưng không giống như những loại cua ghẹ khác. Hương vị của nó cũng giống như cua dẹp.
“Cua tháng ba, cà ra tháng tám” là thời điểm cua cà ra chớm mùa nhưng chúng thực sự rộ nhất là vào tháng chín và tháng mười âm lịch. Đây là thời gian cua cà ra béo ngậy và thơm ngon nhất. Mùa cua cà ra ở Thái Bình bắt đầu khi tiết trời chuyển từ thu sang đông kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau.
Cua cà ra được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như cua rang me, cua hấp… nhưng món lẩu cua cà ra thực sự là món ăn cầu kỳ và ngon nhất.
Cua cà ra thường làm hang ở chỗ nước sâu cả chục mét hay trong các kè đá. Lòng sông thì phù sa đục ngầu nên chỉ có giác quan thứ sáu của thợ săn mới đoán định được vệt chúng đi. Khúc sông nào sâu nhưng nước không chảy mà chỉ vật loanh quanh là chỗ cà ra thích nằm nghỉ ngơi nhất. Loài cua này có tập tính đi ăn đêm nên bát quái phải thả từ trưa hôm trước đến sáng hôm sau mới nhấc.
Giá bán cua cà ra khi xưa cũng rất rẻ, thậm chí mời mọc mỏi mồm, gãy lưỡi cũng chẳng ai mua. Vài năm gần đây cua cà ra bỗng dưng thành đặc sản, giá một cân cua sông từ 200.000 – 300.000 đồng tùy to nhỏ nhưng không phải cứ có tiền là kiếm được. Trong đồng thì nông dân rải thuốc sâu, phân hóa học nên cà ra thành ra tuyệt tích, còn dưới lòng sông ngư dân kích điện tràn lan khiến chúng chẳng kịp sinh sôi.