Cá tà ma là một loại cá biển cực ngon, có vảy màu xám đến đen, giống giống màu tro, thân dẹt, trông giống cá rô phi nước ngọt; thường chỉ xuất hiện ở biển Nha Trang và một số nơi khác như Quy Nhơn, đảo Lý Sơn, đảo Phú Quý và một số đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa
Cá tà ma ở Việt Nam rất ít người làm thương mại biết chúng thuộc họ cá gì vì họ chỉ quan tâm lợi nhuận, doanh số chứ ít ai đào sâu vào tìm hiểu nghiên cứu. Thực ra cá tà ma thuộc họ cá dầm Kyphosidae. Trong họ Kyphosidae, có 4 phân họ (subfamily) gồm: Girellinae – nibblers, Kyphosinae (cá tà ma thuộc 1 chi trong phân họ này), Microcanthinae và Scorpidinae.
Họ cá dầm (danh pháp khoa học: Kyphosidae) là một họ cá theo truyền thống xếp trong liên họ Percoidea của phân bộ Percoidei thuộc Bộ Cá vược (Perciformes), nhưng trong phân loại gần đây được xếp trong bộ Centrarchiformes. Đây là các loài bản địa của Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương. Hiện tại người ta công nhận 52 loài. Chúng chủ yếu sống ở vùng biển ven bờ đến độ sâu khoảng 40m.
Các vùng biển miền Trung thường gặp 2 loại cá tà ma nhất là:
– Cá tà ma trắng (vảy sáng hơn) Brassy chub (dịch nôm na là cá dầm màu đồng thau), tên khoa học Kyphosus vaigiensis
– Cá tà ma đen (vảy màu sẫm hơn và có những mảng vảy trắng tương đối đều nhau) Bermuda/Grey Chub (tên khác Grey drummer, dịch nôm na là cá dầm Bermuda/cá dầm xám), tên khoa học Kyphosus sectatrix/saltatrix
Khu vực các giàn khoan và khai thác thuộc mỏ Bạch Hổ cũng thường xyên bắt gặp loại cá này. Ngoài đó dân dầu khí gọi là cá rô trắng. Chúng được xem là loại cá cực kỳ khó câu, gần như là khó câu nhất theo quan điểm của các tay câu kỳ cựu và dạn dày kinh nghiệm vì khi đã cắn câu, chúng quẫy rất mạnh, nên dù con cá to chỉ bằng bàn tay thôi cũng có thể vùng vẫy đứt cước và mang lưỡi câu theo miệng của chúng trở về biển cả bao la !!!
Do cá sống trong các rạn san hô, khu vực chân đế các giàn khoan và khai thác dầu khí cắm lâu năm nên hình thành hệ sinh thái san hô bám vào chân giàn, hoặc các ghềnh đá, rất tinh ranh, thoắt ẩn thoắt hiện nên thường khó câu, dùng lưới đánh bắt lại càng khó hơn, vì thế hiếm gặp bán ngoài chợ, ít người biết đến, ngoài giới sành ăn. Và ai đã ăn một lần thì không thể nào quên vì cái ngon của nó. Cũng bởi vì khó đánh bắt thế và quá “ma mãnh” nên ngư dân không biết tự lúc nào đã đặt cho chúng cái tên là “tà ma” và phổ biến đến hôm nay…
Cá tà ma có vảy nhỏ, xương cứng, khi nấu chín thì thịt trắng, thơm, dai, béo, có thể làm các món hấp, nướng, cháo, bánh canh, nấu mẵn…Thịt cá tà ma ngọt, dai, không hề tanh, trắng ngần như thịt gà, lớp mỡ nằm ngay dưới lớp vảy cứng cực kỳ béo và thơm.
Cá được chế biến thành rất nhiều món hấp dẫn. Người miền trung thích ăn theo kiểu nấu canh chua lá giang. Con cá được làm sạch, đánh vảy, cắt khúc. Lá giang ngắt phần non một dĩa to, một nồi nước đun sôi trên bếp, kèm thêm thơm, me, một chén muối ớt… Khi nước sôi, cho cá vào khoảng năm phút sau vò lá giang thả vô và thêm các gia vị đã chuẩn bị sẵn; đúng điệu một nồi canh chua cá tà ma ngon lành bốc khói nghi ngút.
Theo ad món quyến rũ nhất chính là cá tà ma nướng mọi trên bếp than hồng, khi đó chất ngọt tự nhiên sẽ được cô đọng lại trong thịt cá, gỡ miếng cá thơm, béo, ngọt, chấm với ít muối ớt chanh thì không tài nào cưỡng lại được, giờ nhắc vẫn còn thèm hehe
Cũng có ý kiến cho rằng nên ăn cá tà ma tùy theo mùa. Để hợp khẩu vị, mùa đông người dân miền trung thường dùng món nướng. Mùa hè nắng nóng thì nấu canh hẹ, canh chua, nấu lẩu, cháo…Dẫu chế biến thế nào đi nữa thì cũng phải công nhận rằng đây là loại cá cực kỳ ngon, thịt chúng kết hợp được tất cả các yếu tố: ngọt, béo, bùi, thơm, dai vừa phải và có hương vị rất riêng và đặc trưng, xứng đáng được liệt vào hàng đặc sản và đẳng cấp không hề thua kém cá mú đỏ sao xanh…