Ở Việt Nam, cá chìa vôi biển có hai loại, loại đỏ và loại xanh đen, loại xanh đen về kích cỡ nhỏ hơn chìa vôi đỏ nhưng được đánh giá có chất thịt dai hơn và cũng hiếm hơn chìa vôi đỏ. Chìa vôi đen tập trung tại các biển có san hô của miền Trung, nhiều nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Cần phân biệt với cá chia vôi nước ngọt đặc sản quý hiếm ở Nhà Bè – cùng họ cá chép, giá cũng hơn 1 triệu.
Cá chìa vôi đen còn gọi là cá lao đen, là một loại cá hiếm cùng họ với cá ngựa, sống ở biển, có chiều dài như con lươn cỡ lớn, thân hình tròn, da màu xanh đen nhưng không trơn nhớt như lươn. Cá chìa vôi đen rất nhiều thịt, chỉ có một trục xương sống ở giữa nên có thể dùng cho trẻ em và người cao tuổi.
Thịt cá chìa vôi đen thơm ngon, được đánh giá dai hơn chìa vôi đỏ và là nguồn cung cấp nhiều chất đạm, ít chất béo, nhiều vitamin như niacin, B6 và khoáng chất như canxi, sắt… giúp tạo hồng cầu và kích hoạt hệ miễn nhiễm. Cá cũng chứa một lượng acid béo omega -3 đáng kể.
Chúng được chế biến bằng cách nướng, nấu lẩu, chiên giòn, nấu cháo …, trong đó, nướng cá bằng bếp than hồng được xem là ngon nhất trong các cách chế biến. Ướp cá để nướng không quá khó đối với những người thích nấu nướng.
Làm sạch cá bằng cách bỏ ruột, có thể cắt những con cá dài có trọng lượng từ 2 – 3 kg thành 4 – 5 miếng để dễ nướng. Ướp cá với hành, tỏi, nước mắm, ớt (đặc biệt là ớt xanh sẽ tạo độ thơm cho thịt cá)… trong vòng 30 phút. Để khắc phục tình trạng thịt cá khô, khi cá nướng gần chín thì cho thêm ít dầu ăn vào gia vị tẩm ướp cá, sau đó cho gia vị này lên cá đang nướng. Cá nướng còn nóng cuốn với cải xanh, chấm muối ớt xanh là ngon tuyệt.
Theo dược sĩ Trần Việt Hưng, cá chìa vôi còn gọi là hải long, được các thầy thuốc Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên dùng làm thuốc. Theo đông y, hải long có vị ngọt, tính ấm, tác động vào các kinh mạch thuộc thận, có các tác dụng bổ thận, tráng dương… nên được dùng trong nhiều thang thuốc trị liệt dương, đau lưng, bổ thận và giúp phụ nữ dễ sinh nở. Hải long được nấu chung với táo tàu và nấm đông cô để chữa trị bướu cổ và tràng nhạc (sưng hạch cổ, lao hạch)…