Cá nanh heo thực ra là tên gọi theo kiểu “trông mặt mà bắt hình dong” của một loại thuộc dòng cá kiểng cao cấp rất đẹp – dòng cá thiên thần angelfish. Sở dĩ ngư dân quen gọi theo kiểu dân dã là nanh heo chứ không phải tên mỹ miều đúng nghĩa “thiên thần” vì chúng có hàm răng rất to và sắc nhọn như răng nanh heo rừng – đặc trưng của dòng cá dữ ăn thịt. Cá nanh heo chỉ có thể đánh bắt bằng cách câu hoặc đâm, không thể lưới. Với cá nanh heo còn sống, chúng rất có giá trị để bán cho các cửa hàng cá biển sang trọng, bề thế và đẳng cấp với giá tiền có thể lên đến hàng triệu đồng.
Chúng được mệnh danh là loài cá vua của dòng cá thần tiên angelfish bởi màu sắc sặc sỡ, rực rỡ, lộng lẫy và bắt mắt nhất, với những hoa văn vàng pha xanh nước biển cùng những sọc đen trắng trên lớp vảy. Cá nanh heo có tên khoa học là Pomacanthus imperator, tiếng Anh là Emperor angelfish (hoặc Imperator angelfish, Imperial angelfish) – dịch nôm na là cá thần tiên hoàng đế.
Cá chuyên sống tổ chức thành đàn nơi các rạn san hô có độ sâu lên tới 100m, trải rộng ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, từ Biển Đỏ đến Hawaii và nhóm các đảo phía nam. Chúng có xu hướng tấn công các loài tôm, giáp xác khác hoặc nhuyễn thể làm thức ăn. Cá nanh heo có hàm răng cực kỳ chắc khỏe và sắc nhọn, có thể nhai cả bọt biển (hải miên – sinh vật xốp dưới biển – loại này có cấu trúc gồm các mảnh giống hình kim cấu tạo từ silica – đi ô-xít xi-lích – hợp chất màu trắng không màu thường dùng làm vật liệu thủy tinh và bê tông) – đủ thấy sức nhai của hàm răng chúng tương đương răng người nhai các miếng thủy tinh mỏng và nhỏ !!!
Ở Việt Nam, cá nanh heo phân bố nhiều ở các rạn san hô ở vùng biển tỉnh Khánh Hòa, xung quanh đảo Phú Quý – Bình Thuận và Côn Đảo, hoặc xa hơn là các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Cá nanh heo ngon nhất với món nướng muối ớt. Thịt cá dai, ngọt, dày, đặc biệt da cá dai giòn, khi nướng chín ăn có vị dẻo rất lạ miệng. Ở một số làng chài, chúng còn được tận dụng đầu, vây, đuôi cá làm thành món um, ăn rất ngon. Sau khi ướp gia vị, cà-ri hoặc riềng mẻ chừng nửa giờ cho thấm thịt cá, người ta đem ơ đất um trên bếp lửa. Dù là “phế phẩm” nhưng ăn miếng nào rồi thì khó thể quên…