Có một loài cá đã âm thầm tồn tại và được truyền miệng trong giới ngư dân chuyên câu và giã cào của biển miền Trung trong nhiều năm; ngay cả đến các thực khách am hiểu, sành điệu, ưa tìm tòi khám phá về mảng hải sản, cũng chẳng được mấy ai nghe và biết về chúng – bởi sự quý hiếm do môi trường sinh sống dưới đáy biển quá sâu và với số lượng quần thể ít (chúng sống đáy từ độ sâu từ 95 – 550m tính từ mặt nước biển), thường săn mồi ban đêm và chỉ khi vào mùa sinh sản hoặc vì một nguyên nhân nào đó về sự xáo trộn môi trường đáy do thời tiết hoặc thiên tai tác động, chúng mới di chuyển vào vùng nước nông hơn để “trú tạm”, khi đó các lưỡi câu hoặc lưới giã cào mới may mắn tóm được chúng – đó chính là CÁ ĐẦU THỎ DA BẠC MẮT TO BIỂN SÂU, gọi tắt là cá đầu thỏ da bạc mắt to hoặc cá đầu thỏ da bạc, thuộc họ CÁ MẬP MA – là một họ cá còn quá ít nghiên cứu về tập tính sinh sản, cấu trúc, số lượng đàn, môi trường phân bố do sinh sống ở những độ sâu kỷ lục (có loài sống ở độ sâu lên đến 2000m) và các nhà khoa học thu thập được quá ít mẫu vật để có thể biết rõ hơn về chúng !!!
Cá đầu thỏ da bạc mắt to được các ngư dân miền trung gọi với tên gọi ngắn hơn nữa là cá đầu thỏ hoặc cá thỏ. Sở dĩ chúng có tên như thế vì nhìn cái đầu chúng chẳng khác nào cái đầu con thỏ. Thực ra cá thỏ này mới là cá thỏ chính cống xuất phát từ nguyên gốc, còn cá mỹ nhân ngư (cũng được gọi là cá thỏ hoặc cá mặt thỏ) đang khá hot trên thị trường gần đây chỉ là cá thỏ nhái (do có mắt to tròn, thân dài, đã được lột da toàn bộ, đây chính là loài cá nóc mú Starry pufferfish, starry toadfish, tên khoa học Arothron stellatus – đây là loài cá có độc, độc tố nhiều hay ít hoặc không đáng kể tuỳ mùa và môi trường sống, tập trung nhiều nhất ở da, mắt, buồng trứng và các cơ quan nội tạng, vì vậy phải lột bỏ toàn bộ da và loại bỏ toàn bộ nội tạng , nếu có kiến thức và biết cách giết mổ thì đây vẫn là loài cá rất ngon !!!)
Tất cả các loài cá Chimaeridae sống đáy biển sâu có tên tiếng Anh quen thuộc (nhưng không chính thức) chung cho cả họ là ghost shark (cá mập ma), ratfish (cá chuột), rabbitfish (cá thỏ, tên này lại được dùng chính quy cho họ cá dìa). Cá đầu thỏ da bạc mắt to nằm trong họ này và có tên tiếng Anh chính thức là Silver chimaera, tên khoa học Chimaera phantasma, thuộc chi Chimaera, họ Chimaeridae, bộ cá toàn đầu Chimaeriformes, phân lớp cá toàn đầu Holocephali trong lớp cá sụn Chondrichthyes.
Cũng xin nói thêm là phân lớp Cá toàn đầu (danh pháp khoa học: Holocephali nghĩa là “toàn đầu”) là một đơn vị phân loại trong lớp Cá sụn, trong đó bộ Chimaeriformes là nhóm duy nhất còn sinh tồn. Holocephali có một hồ sơ hóa thạch rộng khắp khởi đầu từ kỷ Devon. Tuy nhiên, phần lớn các hóa thạch là răng, và hình dạng cơ thể của nhiều loài là không rõ, hoặc ở mức tốt nhất cũng được hiểu không tốt. Như thế có thể kết luận rằng cá nhám thỏ thuộc loại cá cổ xưa đã xuất hiện hàng triệu năm và không mấy thay đổi về sự tiến hóa so với tổ tiên của chúng.
Cá đầu thỏ da bạc có thân dẹp bên, phần đầu to, gồ cao, phần đuôi tóp nhỏ và kéo dài. Có một khe mang chung thông ra ngoài ở trước gốc vây ngực. Vây lưng thứ nhất to cao, có một gai cứng khoẻ mép sau có răng cưa. Vây lưng thứ hai thấp, kéo dài đến sát vây đuôi. Vây hậu môn nhỏ, vây ngực rất lớn, hình tam giác. Gai giao cấu con đực được phân thành 3 thuỳ. Răng hai hàm gắn kết lại thành tấm răng dạng mỏ vẹt. Thân màu xám bạc, các vây màu nâu xám, đường bên màu nâu đen. Cá sống ở các thềm lục địa và sườn dốc có độ sâu từ 95 đến 550m nước, ở các vùng biển ôn đới và nhiệt đới. Tại Việt Nam, theo lời kể của ngư dân thì cá được câu hoặc dính lưỡi giã cào rải rác từ vùng biển Bình Định đến Khánh Hòa với số lượng rất ít.
Cá được phân biệt với các loài khác trong cùng chi bởi 2 đường biên ngang mảnh màu đen hơi uốn lượn dọc theo toàn bộ chiều dài cá ở 2 bên thân từ mắt cho đến đuôi, trên đầu có các đường biên như kiểu ranh giới giữa các phường xã trên bản đồ. Chúng có kích cỡ vừa, con to nhất có thể dài tới hơn 100cm và nặng nhất tầm 3kg. Thức ăn của cá là các loài sinh vật đáy nhỏ.
Trên thế giới, cá đầu thỏ da bạc Silver chimaera từ lâu đã được biết đến rộng rãi ở Tây Bắc Thái Bình Dương bao gồm Quần đảo Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan nơi có các dải đá ngầm và các sườn dốc ở độ sâu từ 90 đến 550 m (thường là 500 m) và từ Đông Ấn Độ – kết thúc ở Tây Úc. Không có ghi nhận về số lượng hoặc cấu trúc quần thể, nhưng các hồ sơ thu thập cho thấy loài này phổ biến và tương đối phổ biến ở các khu vực của Tây Bắc Thái Bình Dương. Chúng thường là sản phẩm được đánh bắt kèm theo của nghề khai thác cá ngừ nhỏ ở địa phương cũng như các hoạt động đánh bắt cá thương mại tại các khu vực của Châu Á. Thị trường Đài Loan cũng rất chuộng loài cá này.
Thịt cá đầu thỏ trắng tinh, ngọt, thơm và béo, không có mùi khai đặc trưng thường thấy như cá nhám thường, cá chèo bẻo…Hơn nữa sống ở vùng nước rất sâu, xa bờ nên thịt cá lành, an toàn, xương sụn đặc trưng của họ cá nhám nên phù hợp với trẻ nhỏ và người già, cá có thể chế biển được đủ kiểu như nướng muối ớt, hấp, xào lăn, nấu lẩu… Cá được ứng dụng trong y học Trung Quốc và bóng cá được Nhật Bản sử dụng nhiều (không biết vì mục đích gì).
Việc khai thác thương mại quy mô lớn ở Việt Nam là bất khả thi vì tập tính sống ở vùng nước sâu của cá, số lượng quá ít và không có bất kỳ dữ liệu nào về mùa. Như đã đề cập ở trên, chỉ khi cá di chuyển với số lượng không nhiều vào vùng biển nông hơn vì một lý do nào đó cộng với cơ hội may mắn khi các ghe câu hoặc giã cào đang hoạt động ngay vị trí của đàn thì mới dính được vài chục kg. Nói chung khai thác cá chỉ phù hợp với hoạt động đánh bắt nhỏ lẻ ngẫu nhiên.
Ở nước ngoài, bất kỳ sự mở rộng khai thác thương mại nào cũng có thể gây ra mối đe dọa đối với loài này trong tương lai và cần phải có dữ liệu phong phú về việc đánh bắt và vận chuyển về bờ, đặc biệt ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, để có thể đánh giá chính xác được trạng thái bảo tồn của loài.
Không có biện pháp quản lý hoặc bảo tồn nào được áp dụng. Hiện nay ngành đánh bắt cá thỏ da bạc dường như không thu thập được một số lượng lớn mẫu vật hoặc có các báo cáo ảnh hưởng đến quần thể. Tuy nhiên, theo dõi và báo cáo các chuyến hàng hải sản quy mô nhỏ tại địa phương trên khắp Tây Bắc Thái Bình Dương được khuyến khích. Cần có thêm dữ liệu về loài này từ New Caledonia và Đông Ấn Độ.
Việc phát triển và thực hiện các kế hoạch quản lý (quốc gia hoặc khu vực, ví dụ như trong Kế hoạch hành động Quốc tế của FAO về Bảo tồn và Quản lý Cá mập: IPOA-Sharks) được yêu cầu để tạo thuận lợi cho việc bảo tồn và quản lý tất cả các loài trong lớp cá sụn Chondrichthyes ở các khu vực mà chúng xuất hiện, điển hình là cá đầu thỏ da bạc.