Tôm hùm là loại động vật ăn tạp, trong tự nhiên chúng ăn chủ yếu là các loại động vật như: cá, tôm, cua ghẹ, cầu gai, giáp xác nhỏ, nhuyễn thể,…ngoài ra còn ăn các loại thực vật như rong rêu., chúng thường có tập tính bắt mồi tích cực vào ban đêm và tờ mờ sáng. Tuỳ vào giai đoạn phát triển mà nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, tôm càng nhỏ thì nhu cầu dinh dưỡng càng cao, ở giai đoạn trước lột xác 2-4 ngày tôm ăn rất mạnh, giai đoạn lột xác tôm sẽ ăn chậm lại.
Tôm hùm rất có giá trị dinh dưỡng. Thịt tôm hùm có chứa rất ít chất béo và carbohydrate trong khi hàm lượng protein lại cao. Trong thực tế, nó có ít chất béo bão hòa, lượng calo và cholesterol hơn so với nhiều loại thịt khác đang sử dụng hàng ngày như thịt heo, thịt bò, thịt gà, trứng,…Tính trung bình, thịt tôm hùm có ít hơn 100 calo trong mỗi khẩu phần (89% calo từ protein), tôm hùm đại dương là một sự lựa chọn tốt cho những chế độ ăn uống.
Thịt chúng có chứa nhiều axit béo Omega-3, theo Hiệp hội tim mạch Mỹ (AHA) thì axit béo Omega-3 có tác dụng kìm hãm và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Hầu hết lượng calo trong thịt của tôm hùm là bắt nguồn từ protein, do đó nó có thể đáp ứng tốt cho một chế độ ăn uống linh hoạt (tức là phù hợp với tất cả mọi người). Ngoài ra do tôm hùm có thể được chế biến thành rất nhiều dạng món ăn: nướng, hấp, nấu cháo, gỏi,..nên luôn đảm bảo được sự cân bằng về năng lượng trong chế độ dinh dưỡng.
Chính vì đẳng cấp dinh dưỡng nên tôm hùm đã được xem là vua của các loài hải sản, là đặc sản của vùng biển vào mùa đông lúc tôm hùm còn nặng những tảng gạch son. Gạch đóng thành một dọc vàng ươm ở sống lưng con tôm, gạch là một mảng lớn đóng nơi đầu tôm. Tôm hùm là món ăn thường được bán tại các nhà hàng. Ở Việt Nam, tôm hùm chủ yếu xuất bán sang Trung Quốc.
Ở Việt Nam, tôm hùm phân bố tự nhiên và được nuôi nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung như Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa… Mùa khai thác con giống chủ yếu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4, 5 năm sau.
Theo quan điểm riêng của ad, họ tôm hùm nhiệt đới (tropical lobster) hơn hẳn về chất lượng thịt, giá trị dinh dưỡng và tỉ lệ phần trăm thịt trên số kilograms so với tôm hùm ôn đới – điển hình là tôm hùm càng (Canada, Alaska). Thịt tôm hùm càng ăn khá giống thịt cua, không được chắc như tôm hùm nhiệt đới.
Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, tại một số điểm bán thủy hải sản nhập khẩu, tôm hùm Canada đang được bán ở mức giá bình quân 850.000 – 1.000.000 đồng/kg đối với loại tôm sống có trọng lượng 0,5 – 2,7 kg, và 400.000 – 450.000 đồng/kg đối với tôm hùm đông lạnh.
Mức giá tôm hùm nhập khẩu nói trên là khá rẻ so với giá tôm hùm của Việt Nam. Theo anh Nguyễn Tiến Thắng, đại diện kinh doanh của Công ty Thủy hải sản Thăng Long, giá tôm hùm bông sống của Việt Nam hiện đang dao động trong khoảng 1,4 – 2,8 triệu đồng/kg, cụ thể 1,4 – 1,6 triệu đồng/kg đối với tôm có trọng lượng 1 – 1,3 kg, và 2,6 – 2,8 triệu đồng/kg đối với tôm có trọng lượng trên 2 kg; còn tôm hùm bông đông lạnh giá khoảng 640.000 – 690.000 đồng/kg.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tôm hùm Canada và tôm hùm bông của Việt Nam thuộc hai giống hoàn toàn khác nhau nên rất khó để so sánh giá cả cũng như đánh giá về chất lượng và hương vị giữa hai loại tôm.
Theo đại diện quản lý của nhà hàng hải sản Rạn Biển, tôm hùm Canada tuy có giá rẻ hơn nhưng đổi lại phần thịt khá ít so với tôm hùm Việt Nam. Bởi, tôm hùm Canada có phần vỏ khá dày và càng to, nặng nên sau khi sơ chế thì hao hụt trọng lượng khá lớn. Như vậy, sự chênh lệch giá trên khối lượng thịt tôm thực sự thu được giữa hai loại tôm vừa nói là không nhiều. Theo đánh giá của người quản lý nhà hàng này, nhu cầu tiêu thụ tôm hùm nhập khẩu tại nhà hàng là không cao.
Cũng theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, số lượng điểm bán tôm hùm nhập khẩu trên địa bàn TPHCM không nhiều, đồng thời số lượng tôm nhập khẩu khá ít. Giải thích điều này, một đại diện công ty nhập khẩu hải sản nói rằng các quy định, thủ tục nhập khẩu hải sản sống hiện nay khá chặt chẽ nên các công ty chỉ dám nhập một lượng ít tôm hùm theo đơn hàng đã đặt trước.